Creativity, Inc được viết bởi Ed Catmull, CEO của Pixar. Nói đến sách về quản trị, nhiều người nói đến sách Output management – Andrew Grove, OKR – John Doerr hay phương pháp Kaizen. Trong khi những phương pháp kể trên tập trung vào việc phát triển mô hình kinh doanh sản xuất để tối ưu năng suất, Creativity Inc tập trung hơn vào việc tạo một văn hóa để liên tục sáng tạo.
Được mệnh danh là top 10 quyển sách về quản trị hay nhất mọi thời đại bởi Harvard, một nhà quản lý không nên bỏ qua cuốn Creativity Inc.
SỰ RA ĐỜI CỦA PIXAR
Trước khi gặp Steve Jobs, Ed Catmull đã dẫn đầu một đội ngũ những nhà khoa học để phát triển công nghệ về đồ họa. Steve Jobs ngay lập tức tin vào tầm nhìn của Pixar và cho rằng Pixar sẽ trở thành “the next big thing”. Đây là giai đoạn Steve Jobs vừa bị đẩy ra khỏi Apple bởi John Sculley. Ban đầu, Steve Jobs muốn biến sử dụng công nghệ của Pixar để tạo siêu máy tính để cạnh tranh với Apple nhưng bị Ed từ chối ngay lặp tức (tầm nhìn của Ed với Pixar cực kỳ rõ ràng từ những ngày đầu tiên). Sau khi Steve Jobs mở và vận hành NeXT (sau này được Apple mua lại), Pixar mới được đầu tư bởi Steve Jobs và khởi đầu hành trình trở thành công ty hoạt hình hàng đầu thế giới.
Dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs, việc xây dựng một sản phẩm tốt đến mức không tin nổi – insanely good product trở thành mục tiêu chung của Pixar. Bằng việc sản xuất Toy Story, Pixar trở thành nhà làm phim hàng đầu và hình thành mối quan hệ đối tác 50/50 với Walt Disney. Chi tiết từng bước để Pixar tận dụng được kênh bán của Walt Disney mà không bị buy out là đều do sự thiên tài của Steve Jobs.
XÂY DỰNG VĂN HÓA SÁNG TẠO
Trong những ngày đầu vận hành Pixar, Ed chọn phương thức đầu tư cho ý tưởng giống như một quỹ đầu tư mạo hiểm. Pixar chủ động đi tìm những ý tưởng phim hay để biến thành những bộ phim hay. Sau này, ông phát hiện ra rằng phương thức đó không phải là phương thức bền vững. Những ý tưởng hay ho nhiều khi không đến từ những người có năng lực thực sự. Từ nhiều thất bại đến từ làm việc với những người không phù hợp, ông thấy rằng: phát triển sản phẩm tốt đồng nghĩa với việc thuê được đúng người, xem họ cần gì và giao họ những dự án phù hợp kỹ năng của họ. Cho đến tận bây giờ, mô hình làm việc của Pixar vẫn vậy: tìm, phát triển và hỗ trợ những người giỏi; chính họ sẽ tìm, phát triển những ý tưởng tuyệt vời.
Braintrust – bộ não của việc sáng tạo. Braintrust là tên gọi của cuộc họp được tổ chức vài tháng/lần để đánh giá những bộ phim đang được sản xuất. Đề bài rất đơn giản: đặt những người thông minh và đam mê vào cùng một căn phòng, tạo cho họ không khí cởi mở chân thành để có thể đặt ra và giải quyết vấn đề. Quá trình phê bình, đánh giá được tổ chức với toàn bộ nhân viên của Pixar, trong đó những đánh giá quan trọng đến từ những đạo diễn và những người viết kịch bản lão luyện. Quyền quyết định được đặt vào tay director của bộ phim – và người đó không bị ràng buộc phải thay đổi quyết định dựa trên những cuộc họp Braintrust. 4 từ khóa của Braintrust: nói chuyện thẳng thắn, tranh luận sôi nổi, cười và yêu.
Thử và sai. Andrew Stanton chịu trách nhiệm về tất cả những dự án làm phim tại Pixar. Ông nổi tiếng với 2 cụm từ “thất bại sớm và thất bại nhanh” và “sai nhanh nhất có thể”. Với ông, sai lầm giống như học đi xe đạp vậy, hãy đi một chiếc xe đạp thật thấp, mặc đồ bảo hộ và đừng sợ sai. Đừng tự hào khi đang thất bại nhiều, nhưng cũng đừng bị nhụt chí bởi chúng. Thất bại chính là một phần trong quá trình tìm tòi và phát triển. Monster Inc trải qua nhiều năm phát triển với rất nhiều concept thất bại. Nhân vật chính của Monster Inc ban đầu là một kế toán viên 30 tuổi chứ không phải là cô bé Boo 6 tuổi. Mỗi thay đổi, mỗi sai lầm không làm nhụt chí những nhà sản xuất phim, họ coi đó là bản đồ chỉ đường đến sản phẩm hoàn hảo hơn.
Môi trường sáng tạo lý tưởng. Môi trường sáng tạo tuyệt vời nhất là môi trường an toàn, nơi mà tình yêu và sự chân thành được đặt lên cao nhất. Mỗi đạo diễn của Pixar hiểu rằng, một mình họ không thể tạo nên được thành công và không ai có thể đóng góp được trong nỗi sợ. Để quote đạo diễn Pete Doctor: “Nhiều ý tưởng tốt nhất đến từ việc đùa cợt, việc đó chỉ đến khi bạn (hoặc sếp bạn) tạo môi trường để làm việc đó”. Tất cả nhân viên trong công ty cũng nên hiểu và đón nhận thay đổi, vì họ hiểu rằng thay đổi là một phần không thể tránh khỏi của phát triển.
Phương pháp Toyota. Tại Toyota, khi lỗi làm được phát hiện, bất kỳ ai cũng có quyền được dừng lại toàn bộ dây chuyền để báo lỗi và ngay lập tức cải thiện quy trình. Tại Walt Disney, ban quản trị gặp vấn đề lớn với tiến độ khi họ không đặt niềm tin vào những người sản xuất mà đặt qua nhiều tập trung vào việc tránh lỗi. Trớ trêu thay, việc tập trung vào việc làm quy trình phức tạp để phòng tránh lỗi không làm giảm lỗi mà chỉ khiến nhân viên giấu lỗi và giảm vận tốc phát triển của sản phẩm.
Họp hàng ngày. Họp hàng ngày là văn hóa để tất cả mọi có một vài phút để kết nối và kết nối cảm xúc trong công việc. Việc này giúp mỗi người mở lòng, hiểu rằng công việc là một quá trình và tất cả đều đang có những công việc không hoàn hảo và cần giúp đỡ.
Loại bỏ nhóm kiểm soát chất lượng. Pixar tin rằng mỗi quản lý, mỗi đạo diễn là những người đủ khả năng, nếu theo dõi và ép buộc họ thì chỉ làm gia tăng áp lực không cần thiết và làm sản phẩm tệ hơn.
KẾT LUẬN
Để thực sự làm được những việc to lớn, nhà quản lý nào cũng hiểu độ quan trọng của việc sử dụng được sức mạnh của mỗi người dưới họ. Tuy nhiên, cuối cùng, họ để cái tôi của họ nuốt chửng. Họ cần được đúng hơn là làm được công việc lớn và làm ra sản phẩm tuyệt vời. Đó là sự đáng tiếc của nhiều công ty với những vị thế đóng góp giá trị tuyệt vời. Creativity Inc là câu chuyện với những bài học quản trị tuyệt vời đã được chứng thực tại một môi trường phức tạp như Pixar. Đọc lần đầu cách đây 10 năm, lần này đọc lại tôi mới nhận ra đây là những bài học quản lý trường tồn với thời gian. Creativity Inc là must-read với những quản lý muốn tạo ra insanely good products.