Duy Biểu Học là cuốn sách giải thích từ góc nhìn của đạo Phật về tâm và siêu hình học (ngành triết lý tập trung về những nguyên lý căn bản nhất của vạn vật). Duy Biểu Học là tập hợp 50 bài tụng vốn dĩ không dành cho những Phật tử cơ bản. Tuy nhiên, với lời giải thích của thầy Thích Nhất Hạnh thì các khái niệm về tâm dần được khai sáng. Bằng cách giải thích khái niệm về tám thức và cách sử dụng tám thức để vận hành tâm, chúng ta có con đường rõ ràng để xây dựng một Tâm vững chãi, kỷ luật để thực sự mang lại được yêu thương cho thế giới.
Trong giới hạn về hiểu biết của tôi, tôi sẽ sử dụng ngôn ngữ thường ngày để giải thích về khái niệm 8 thức để chúng ta cùng hiểu và thực tập theo.
8 thức
8 thức là cách để Tâm tiếp nhận, phân tích và sử dụng thông tin. Trong cuộc sống, có lẽ đã có những lúc bạn cảm thấy mất kiểm soát trong cảm xúc hoặc lúng túng khi tiếp nhận những thông tin trái chiều. Bạn cũng có thể bị rơi vào những lối mòn suy nghĩ và hành động: đưa ra những quyết định bộp chộp để rồi hối hận hay bị nghiện Facebook, Tiktok mà không rời bỏ được. Hiểu được cách 8 thức vận hành sẽ là chìa khóa để kiểm soát chính tâm trí bạn.
Năm thức cảm giác
Các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) của năm thức đầu có khi được gọi là năm cánh cửa (āyatana), qua đó tất cả các sự vật (các pháp) trong vũ trụ tiếp xúc với ý thức của chúng ta. Bình thường, các ý thức cảm giác chỉ hoạt động độc lập được trong một thời gian rất ngắn, sau đó ý thức sẽ chen vào, và do ảnh hưởng của Mạt-na thức, mọi sự vật sẽ biến dạng, khác bản chất của nó. Thậm chí, thông tin được tiếp nhận rồi có thể bị bóp méo chỉ trong tích tắc. Hiện tượng một người tưởng tượng ra một quá khứ không tồn tại cũng hoàn toàn có thể. Đó là sự ảnh hưởng của các thức khác.
Năm thức được ví như là một em bé, tiếp nhận thông tin một cách thơ ngây và nguyên bản. Các thức còn lại mới đóng vai trò quan trọng trong chuyện phân tích thông tin và hình thành Tâm trí.
Tàng Thức
Tàng thức là nơi toàn bộ thông tin được lưu trữ. Tàng thức được ví như một khu vườn tâm trí: nơi mà toàn bộ thông tin được tiếp nhận đọng lại. Một cơn gió thoảng qua hay một người đi ngang qua có thể để lại thông tin trong tàng thức. Một khi thông tin đã đến đây, chúng ta không thể xóa chúng đi mà chỉ có thể chọn cách để đối xử đúng cách.
Cách để kiểm soát thông tin được nhận vào tàng thức chính là kiểm soát 5 thức cảm giác. Năm giác quan như những em bé không được kiểm soát, nếu để chúng tự lang thang thu nhận thông tin, tàng thức sẽ đầy rẫy những thông tin không mong muốn. Cách để kiểm soát hành động của những em bé này chính là sử dụng Ý thức (một siêu anh hùng mà một lát nữa tôi sẽ giải thích).
Với vô vàn hạt giống được gieo trong tàng thức, việc phát triển và hình thành chúng sẽ tạo nên Tâm chúng ta. Quá trình đó được quyết định bởi Mạt-na thức và Ý thức.
Mạt-na thức
Mạt-na thức còn có thể được hiểu một cách nôm na là bản năng. Đây là tất cả những tập khí nguyên thủy mà một người có. Bản năng của con người về cơ bản là có những tính cách xấu: tham lam, sân si, ham muốn dục vọng…
Nếu không kiểm soát, Mạt-na thức sẽ chi phối năm thức cảm giác và tàng thức để tiếp nhận những thông tin mà nó mong muốn. Đó là lý do mà nếu không kiểm soát, một người sẽ dễ dàng rơi vào lốc xoáy của việc nghiện ngập, dục vọng, tham lam, tù tội… để rồi giật mình không kịp nhận ra bản thân đã trôi đi quá xa. May mắn thay, Tâm trí chúng ta có ý thức là người làm vườn – là người kiểm soát và chăm bẵm.
Ý thức
Là thức thứ 8 và cũng là thức quan trọng nhất, Ý thức là suy nghĩ chủ động của Tâm với tất cả những thức còn lại.
Với tàng thức, Ý thức kiểm soát những thông tin tiếp nhận bằng cách lựa chọn những thông tin tiếp nhận. Ý thức giúp đưa ra hành động để một người không tiếp cận các thông tin độc hại bằng cách ngăn chặn hoặc chủ động bỏ qua. Ví dụ: khi bạn hiểu được tác hại của các kênh thông tin xã hội, bạn có thể chủ động loại nó ra khỏi cuộc sống.
Nếu hiểu tàng thức là nơi lưu trữ nhiều loại hạt giống – cả tốt cả xấu, Ý thức là người làm vườn có tâm. Người làm vườn này sẽ chăm sóc những hạt giống tốt và tạo điều kiện cho chúng nảy mầm và kết trái. Bên cạnh đó, những hạt giống xấu sẽ không được tạo điều kiện phát triển. Hạt giống xấu vẫn ở đó, chúng cũng sẽ được đón nhận yêu thương nhưng không được cho cơ hội phát tác và làm độc tâm trí.
Ý thức có khả năng làm biến chuyển Mạt-na thức. Khi hành động kỷ luật với tình yêu thương đủ lâu, Mạt-na thức có thể biển chuyển từ những bản năng xấu trở thành những bản năng tốt (yêu thương, biết ơn, bao dung). Chính từ sức mạnh đó, tôi mới gọi Ý thức là siêu anh hùng trong 8 thức.
Kết luận
Không phải là một cuốn sách dễ đọc, nhưng Duy Biểu Học là nền tảng tuyệt vời để tôi hiểu sự quan trọng của Tâm và cách sử dụng Ý thức để xây dựng một Tâm trí tốt hơn. Nếu các bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về đạo Phật để ứng dụng vào cuộc sống, các bạn có thể tìm đọc Duy Biểu Học tại tiệm sách hoặc website của Làng Mai nhé!