Cách tận dụng lãi suất kép trong cuộc sống

Lợi suất kép

Nếu bạn chưa bao giờ nghe thấy lợi suất kép, có thể bạn đã sống ở trong hang quá lâu và quên mất thế giới văn minh loài người đã đi xa đến thế nào.

Đùa một chút thôi. Nhưng nếu bạn bật bất kỳ một kênh thông tin hay báo chí liên quan đến đầu tư nào, hẳn là bạn đã nghe thấy lợi suất kép. Chính tôi cũng đã giải thích về ý tưởng này hàng trăm lên trên kênh Youtube của bản thân, vì thế nên giải thích thêm một lần nữa cũng không sao.

Lợi suất kép thường được sử dụng để mô tả hiện tượng một lượng tài sản nếu tăng trưởng liên tục với tỉ lệ lợi nhuận không đổi mỗi năm thì sau một khoảng thời gian đủ dài, người sở hữu sẽ có một khối tài sản khổng lồ.

Có lẽ sử dụng một ví dụ cụ thể thì ai cũng sẽ thấy dễ hiểu hơn.

Bạn được cho một đồng xu thần kỳ, cứ mỗi ngày nó sẽ tự nhân ra làm 2. Ngày tiếp theo, 2 đồng xu lại nhân ra làm 2. Vì vậy:

Ngày 1: có 1 đồng xu

Ngày 2: có 1 x 2 = 2 đồng xu

Ngày 3: có 2 x 2 = 4 đồng xu

Ngày 10: có 256 x 2 = 512 đồng xu

Ngày 20: có 262,144 x 2 = 524,288 đồng xu

Lợi suất kép là nhận được lợi nhuận dựa trên số vốn của kỳ gần nhất. Vì vậy, những kỳ đầu tiên, bạn sẽ nhận được không nhiều – ngày 2 chỉ nhận được 1 đồng. Tuy nhiên, càng về sau, số tiền bạn nhận thêm ngày càng nhiều vì vốn bạn càng ngày càng nhiều thêm.

Trong đầu tư, hiện tượng này thường được áp dụng cho những người trẻ đầu tư cho những mục tiêu lâu dài. Đầu tư càng sớm và càng nhiều, họ càng sở hữu số tài sản lớn hơn khi về già. Ví dụ, bạn chỉ cần đầu tư 4 triệu/tháng để 40 năm nữa sở hữu số tiền 10 tỷ. Vấn đề này đã được chứng minh quá rõ ràng, quá rốt ráo và ai ai trên thế giới cũng phải đồng ý. Nếu bạn không làm, bản thân bạn trong tương lai sẽ trách bạn. Và đó là vấn đề của bạn.

Lợi suất kép không chỉ trong đầu tư

Bài viết này không viết về cách áp dụng chi tiết việc áp dụng lợi suất kép vào đầu tư ra sao. Tôi muốn nói về cách để sử dụng lợi suất kép trong cuộc sống, trong sự nghiệp của bạn.

Với những bạn trẻ tham vọng, họ luôn ở trong cảm giác họ đang không phát triển đủ nhanh. Điều này cảm nhận rõ ràng hơn khi họ so sánh bản thân với những người thành công khác. Có những người bằng tuổi mà đã có chức vụ, có địa vị và đạt được những thành công tài chính vượt bậc. So sánh có thể không phải một thứ xấu.

So sánh để nhận ra khoảng cách của bản thân với người khác là một cách để tạo động lực ngắn hạn. Bằng định nghĩa, động lực để khiến bạn bắt kịp một mục tiêu nào đó là có giới hạn. Động lực vô hạn đến từ việc đặt ra những mục tiêu tham vọng, dài hạn mà chúng ta có thể gọi là tầm nhìn hoặc lý tưởng sống.

Biến một lý tưởng sống bắt đầu từ khả năng tưởng tượng một thế giới mới tươi đẹp hơn. Những người mộng mơ, những kẻ điên rồ mới làm được việc đó. Những người thành công dám hành động để thay đổi thực tại. Tiếc rằng, trong môi trường giáo dục và công sở, chúng ta lại bị vô tình bị đẩy vào những vòng lặp để đào tạo ra những người boring, không có tính mộng mơ.

Theo đuổi mộng mơ là đặt chân đến những vùng đất không tên. Càng đi xa, chúng ta càng cảm thấy mông lung và mất tự tin. Đó là dấu hiệu của việc phát triển. Học càng nhiều, làm càng nhiều, bạn lại càng cảm thấy bản thân cần phải biết nhiều hơn. Bạn chỉ có thể tự tin rằng bạn là người chăm chỉ, là người tò mò, chứ bạn không bao giờ và không nên cảm thấy đủ.

Chỉ từ việc phóng tầm nhìn ra xa và hiểu tận gốc chúng ta muốn gì, chúng ta mới hiểu việc cần làm ngay trước mắt là gì. Những mục tiêu ngắn hạn sẽ là bắt kịp kiến thức nhân loại, gia tăng kinh nghiệm và học nhanh hơn từ những chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải giữ một cơ thể khỏe mạnh, một tâm trí minh mẫn, một thái độ cầu thị và bằng mọi giá tránh những trường hợp tệ nhất trong cuộc sống (mất hết tiền, nguy hiểm tính mạng.v.v.)

Đến đây, có lẽ bạn đọc cũng đã bắt đầu hiểu được ý đồ của bài viết này. Lợi suất kép đến từ việc hiểu cốt lõi của cuộc sống, để làm được việc đúng trong từng khoảnh khắc. Kết quả sẽ biểu hiện, ban đầu thì chậm nhưng tương lai sẽ biểu hiện nhanh hơn và mang lại giá trị khổng lồ.

Rèn luyện đức tính

Kỹ năng rèn luyện có thể trở nên vô ích, nhưng đức tính rèn luyện được sẽ ở lại suốt đời. Khi học một kỹ năng mới, không những bạn đang giỏi lên mà bạn còn đang rèn luyện đức tính trong mình. Nói theo cách nhìn của Socrates, khi bạn học kỹ năng mới, bạn đồng thời đang khai phá những đức tính của con người đức hạnh trong bạn.

Đức tính 1: thành thật với bản thân.

Không thể nào tính được quãng đường nếu chúng ta không biết điểm bắt đầu là ở đâu. Nhưng làm sao để tôi biết được là tôi đang không biết gì? Hơn nữa, khi việc ngụy biện được làm đủ nhiều, một người có thể tin vào chính những sự lừa dối của chính mình. Đây là lúc chúng ta đi tìm ý kiến của những người bên ngoài. Hỏi những người bạn tin tưởng nhất rằng: họ thấy thế nào về bạn. Việc này không khó. Bạn thừa biết bạn không hoàn hảo. Bạn cần biết thứ mình đang thiếu sót là ở đâu. Việc này bạn có thể làm ngay bây giờ.

Tôi nói thật đấy. Hãy làm ngay bây giờ đi.

Bạn có thể nhắn tin với vài người bạn, với người thân của mình (vợ, bố, mẹ…). Nói với họ rằng: bạn đang làm một bài tập về phát triển bản thân và bạn cần họ tuyệt đối trung thực với bạn. Bạn cảm ơn họ về việc đó.

Làm việc này đủ nhiều, bạn vượt qua được sự “ảo tưởng” của bản thân. Bạn nhận ra rằng, cái bạn nghĩ và cái bạn là chưa phải là một.

Đức tính 2: kỷ luật.

Phát triển chưa bao giờ là dễ dàng và nó sẽ không bao giờ dễ dàng. Tạo ra một thói quen tốt mà chưa thấy kết quả ngay không phải là một việc bản năng con người ưa thích.

5 năm trước, khi tôi tập luyện và ăn một chế độ ăn kiêng nghiêm khắc, tôi đã bỏ cuộc. Tôi cảm thấy việc sở hữu một cơ thể đẹp không đáng giá để đánh đổi sự hạnh phúc trong việc ăn uống. Sau này, tôi nhận ra rằng việc tập luyện chỉ là phương thức để rèn luyện đức tính kỷ luật. Việc dậy đúng giờ, có mặt tại phòng tập và ăn những món ăn tôi không thực sự thích (nhưng tốt cho sức khỏe) là những bước nhỏ để rèn luyện việc làm việc khó.

Kỷ luật là chìa khóa dẫn đến tự do. Nhiều người hiểu lầm sống tùy ý là sống tự do. Họ cầu mong một lối sống cách thoải mái không cần nghĩ ngợi: thích ăn gì thì ăn, thích quan hệ với người nào thì quan hệ, thích làm gì thì làm. Đó là lối sống bản năng, buông thả. Sống như vậy là thả trôi cho số phận trôi về một nơi không xác định.

Sự kỷ luật, bắt đầu từ kỷ luật trong tư duy, giúp một người thấy rõ hơn nguyên tắc để sống một cuộc sống do họ chọn. Khi được sống được CHỌN, một người mới thực sự tự do.

Đức tính 3: giữ một cái đầu mở và luôn khiêm tốn.

Không có gì là tuyệt đối (bao gồm câu nói này). Tất cả mọi lý luận của con người đều đứng trên góc nhìn của triết học. Mọi vấn đề đều dựa trên những mệnh đề ít sai nhất. Vì vậy, chí ít, chúng ta phải hiểu rằng: mỗi lựa chọn, mỗi bước đi, chúng ta đều đang chọn cách để đi sao cho tỉ lệ thất bại thấp nhất.

Không bao giờ ngừng học, ngừng lắng nghe. Tuy nhiên, hãy lắng nghe upward. Lắng nghe, học hỏi và rèn luyện bản thân dựa trên những người thực sự làm chủ được kiến thức của họ hoặc là người rất giỏi trong lĩnh vực bạn cần. Đừng lãng phí thời gian để lắng nghe downward, không có gì để học ở những người kém hơn bạn.

Rèn luyện kỹ năng

Dưới đây là một số kỹ năng mà tôi nghĩ là chìa khóa mà bạn cần để tiến xa hơn trong cuộc sống. Với nền tảng là đức tính, những kỹ năng này kết hợp với nhau và cho bạn những lợi suất kép khổng lồ xa hơn trong chân trời cuộc sống.

Kỹ năng nền tảng: xây dựng nền tảng Tiền bạc và Sức khỏe. Trong câu chuyện xây dựng cuộc sống có ý nghĩa, đóng góp cho con người cho nhiều thế hệ, tiền bạc và sức khỏe là nền tảng không thể thiếu. Không yên tâm về hai nền tảng này, một người không thể dành ra hết tâm trí để xây dựng một thứ gì đó đáng giá.

Tiền: tiền là công cụ để duy trì cuộc sống và cũng là công cụ để tạo ra nhiều giá trị hơn. Hầu hết mọi người đều bị hiểu nhầm là mục tiêu: họ coi giá trị của họ chỉ bằng so với số tiền. Sớm hay muộn, người mang ra nhiều giá trị cho thế giới sẽ là người có nhiều tiền. Tuy nhiên, người có nhiều tiền chưa chắc đã là người tạo ra nhiều giá trị.

Trong giai đoạn mới xây dựng sự nghiệp, người trẻ chỉ cần để ý đến một việc: kiếm được tiền đủ sống và xây dựng một quỹ dự phòng đủ lớn để có thể an tâm tập trung xây dựng kỹ năng và đức tính. Đừng mất quá nhiều thời gian vào đầu tư, vào mua bán ngắn hạn. Khi đã xây dựng đủ quỹ dự phòng, dòng tiền mới tạo ra nên được sử dụng để học những kỹ năng mới, tìm những trải nghiệm mới và dùng tiền để kinh doanh.

Nền tảng sức khỏe cũng không được bỏ qua. Tuổi trẻ không tồn tại mãi mãi. Việc ngủ 2-3 tiếng và làm việc 20 tiếng không bền vững. Tối thiểu, bạn phải ngủ đủ và phải tập (tập gì cũng được) trung bình 30’/ngày. Với tôi, tôi muốn rèn luyện đức tính kỷ luật, nên tôi sẽ dành ra nhiều thời gian hơn để tập luyện và liên tục tự thử thách bản thân để tập luyện ngày càng khó hơn.

Kỹ năng 1: khả năng học, lưu giữ và sử dụng kiến thức. 

Kiến thức không phải chỉ để làm cảnh. Bạn cần master kỹ năng liên tục học và sử dụng được toàn bộ kiến thức mình đã học. Khung tư duy dễ nhất để làm việc này là phương pháp Feynman, gồm 4 bước.

Bước 1: Đọc và hiểu vấn đề.

Bước 2: Giải thích vấn đề cho một người không hiểu gì.

Bước 3: Phát hiện ra những điều mình chưa hiểu.

Bước 4: Xem lại kiến thức và liên tục đơn giản hóa cho đến khi nào giải thích được cho một người không hiểu gì.

Khi bạn đã làm chủ được phương pháp này, bạn sẽ cũng sẽ sở hữu một kỹ năng mới: phát hiện ra các bullshiter – những người xàm xí chém gió. Người không thực sự hiểu một vấn đề sẽ giải thích vấn đề đó một cách phức tạp vì đó là cách tốt nhất để họ ngụy biện sự kém hiểu biết.

Để lưu trữ và sử dụng kiến thức, hãy có một quy trình cho việc take note, lưu trữ và ôn tập lại những thứ bạn đã đọc và học. Bạn có thể lưu trữ chúng trên Notion, Evernote hay thậm chí Google Drive. Sử dụng những công cụ này sẽ giúp bạn tổ chức và tìm lại kiến thức dễ dàng hơn. Hàng tuần, bạn nên dành ra một khoảng thời gian cố định để ôn lại những kiến thức bạn đã học. Lặp lại kiến thức đủ nhiều mới giúp bạn làm chủ chúng (nhớ sử dụng phương pháp Feynman khi ôn lại kiến thức).

Bạn nên học khóa: Learning how to learn tại Coursera để có kỹ năng học.

Kỹ năng 2: Tư duy thiết kế – Design thinking. 

Tư duy thiết kế là phương pháp để sáng tạo ra giải pháp có ích cho người dùng cuối. Nhiều người hiểu nhầm sáng tạo là nghĩ ra một thứ gì đó hoàn toàn mới để giải quyết một vấn đề hoàn toàn mới. Thực ra, sáng tạo là thực sự hiểu vấn đề đang nằm ở đâu để tạo ra giải pháp.

Tư duy thiết kế bắt đầu từ việc hiểu khách hàng. Chỉ khi nào thực sự hiểu được nỗi đau của khách hàng, người làm sản phẩm mới có thể bắt đầu thiết kế giải pháp cho họ. Bạn có thể đọc cuốn Build – Tony Fadell (cha đẻ của iPod và iPhone) và cuốn Creative Confidence để hiểu hơn về design thinking.

Kỹ năng 3: xây dựng những sản phẩm có ý nghĩa.

Rủi ro đáng để có nhất là rủi ro một người chấp nhận để có thể giúp xã hội, giúp cho con người phát triển hơn. Tiếc rằng, quá nhiều chấp nhận rủi ro chỉ để kiếm tiền và mất quá nhiều thời gian cho zero-sum game.

Bạn và tôi, chúng ta phải dành thời gian để build.

Build sản phẩm cho những người đang cần. Đồng cảm với họ và đưa ra những giải pháp đơn giản để cuộc sống của họ tốt hơn.

Build một tương lai tươi sáng hơn cho những thế hệ tiếp theo. Năng lượng không tái tạo sẽ cạn kiệt trong vòng 50-100 năm nữa. Với vận tốc hiện tại, nhiệt độ trái đất sẽ vượt ngưỡng cho phép chỉ trong vòng vài chục năm. Chúng ta cần chung tay để xây dựng cuộc sống cho con người tốt hơn, bền vững hơn.

Khi build những sản phẩm có ý nghĩa, bạn ngày càng giỏi, gặp những người xuất sắc và thực sự biến bạn thành con người tuyệt vời hơn (lãi suất kép!).

Kỹ năng 4: kỹ năng quan hệ giữa người với người. 

Con người sống vì con người. Chúng ta có một hợp đồng xã hội chặt chẽ để sống đồng tồn tại. Mối quan hệ giữa con người và con người là tiên quyết và không bao giờ được đẩy xuống thứ hai. Vì vậy kỹ năng xây dựng mối quan hệ bền vững, kỹ năng giao tiếp và tình yêu con người là không thể bỏ qua.

Chúng ta gần nhau hơn bạn nghĩ. Mọi người trên thế giới chỉ cách nhau 6 mối quan hệ. Bạn và Joe Biden? Chỉ 6 mối quan hệ là bạn sẽ kết nối đến với tổng thống Mỹ. Thấp hơn một chút, bạn đến với những người Việt mà bạn cần hoặc muốn tạo giá trị cùng, không cách xa nhau quá 6 mối quan hệ (thậm chí, với tôi, còn số này thường nhỏ hơn 3 hoặc 4). Vì vậy, hãy sống tử tế và coi những mối quan hệ bền lâu là kỹ năng phải có trong cuộc sống của bạn.

Dù cuộc sống có đưa đẩy bạn đến hoàn cảnh bĩ cực đến đâu, hãy nhớ để thương, để giúp đỡ người đối diện bạn.

Cuối cùng, bạn không có thời gian để lãng phí vào tất cả những người bạn gặp. Hãy tìm ra những người bạn muốn xây dựng mối quan hệ sâu đậm để cùng nhau phát triển và xây dựng một thế giới tốt hơn. Họ là tri kỷ.

Mâu thuẫn đụn cát (mâu thuẫn cái đầu hói)

Để kết thúc, tôi muốn nói đến mâu thuẫn đụn cát. Tưởng tượng, trên một cái sân trống, bạn đang tỉ mẩn đặt từng hạt cát lên. Hạt thứ nhất. Rồi hạt thứ hai, rồi thứ ba.v.v. Vậy thì đến hạt thứ bao nhiêu, thì bạn mới biết là bạn đang có một đụn cát? Bạn sẽ không bao giờ biết được. Chỉ có một người nào đó đi ngang qua mới nói được: ồ, bạn đang có một đụn cát đấy!

Phát triển cũng như vậy, bạn chỉ có thể tập trung vào quá trình. Lớn lên từng chút từng chút một. Rồi đến một ngày, bạn mới nhận ra được: ồ, hóa ra tôi đã thực sự lớn rồi đấy!

Rèn luyện và làm chủ những đức tính nền tảng và kỹ năng trên, tôi tin rằng mỗi người sẽ dần dần phát triển với vận tốc lũy kế. Cóp nhặt từng đức tính, từng kỹ năng sẽ cảm thấy khó khăn. Nhưng đó là những khoản đầu tư mồ hôi nước mắt xứng đáng. Điều bạn nhận được là một cuộc sống thực sự tự do về tâm trí, tài chính và hơn hết, tràn ngập tình yêu thương với tri kỷ của bạn và rộng lớn hơn, toàn bộ loài người.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

tư duy đơn giản
để sống hạnh phúc...

“Nó đây rồi” là sự cô đọng phương pháp để tư duy và định hướng hành động cho những người dám tư duy và dám hành động để có một cuộc sống do chính bản thân quyết định.

Nhận 5 chia sẻ hàng tuần

về cách tôi đạt tự do tài chính trước 40 tuổi, làm công việc mình thích và vẫn có thời gian cho bản thân và gia đình