Là CEO của những doanh nghiệp (và bây giờ là advisor cho 2 doanh nghiệp nhỏ), tôi luôn cố gắng hết mình để xây dựng một hệ thống công việc sao cho toàn bộ người làm có thể làm việc vừa vui, việc ít áp lực mà vẫn hiệu quả và góp phần tối đa cho tổ chức.
Nhiệm vụ của một CEO là việc cân bằng giữa leadership (lãnh đạo) và management (quản lý). Để trở thành một leader tốt, tôi luôn củng cố tầm nhìn của người làm cùng mình, coi họ như là đối tác của mình chứ không phải cấp dưới – suy cho cùng, nếu không có họ thì không có tôi và ngược lại. Tôi dành nhiều thời gian lắng nghe và góp ý chân thành cho công việc của nhân viên. Bên cạnh đó, tôi cũng áp dụng những biện pháp quản lý tốt nhất để đảm bảo sự quy củ trong công việc, để tôi có một vũ khí để thưởng/phạt khi công việc không được như ý muốn.
Drive
Drive giới thiệu một concept hoàn toàn mới trong việc quản lý một tổ chức hay quản lý bản thân. Khi mà hầu hết hệ thống của tổ chức đều được thiết kế xung quanh mô hình thưởng/phạt, những người thiết kế hệ thống mong rằng việc sử dụng thưởng/phạt này sẽ “định hình” được thái độ của nhân viên. Trên lý thuyết, phương pháp này là cực kỳ hợp lý; ai mà chẳng ghét bị mất tiền/bị phạt, vì thế họ sẽ thực hiện nhiệm vụ của họ để họ được lợi tài chính nhất. Tuy nhiên, giả sử này là sai vì con người không phải loài động vật có logic hoàn hảo; ví dụ: cho dù biết rằng việc để dành tiền là quan trọng, nhiều người vẫn dành tiền lương của họ để mua những vật dụng mới không thực sự cần thiết (điện thoại, máy tính, quần áo.v.v.); hay những người hút thuốc đều biết hút thuốc hại như thế nào nhưng họ vẫn hút. Vậy động lực để giúp chúng ta thành công, để chúng ta sáng tạo là gì? Trong Drive, động lực này được gọi là Động lực 3, hay Loại X.
Từ lâu nay, chúng ta vẫn biết 2 loại động lực phổ biến nhất: bản năng và thưởng/phạt. Động lực đến từ bản năng là những việc con người phải thực hiện để phục vụ cho việc sống còn, ví dụ như ăn uống, quan hệ tình dục. Đây là những công việc mà con người biết để thực hiện từ lúc mới sinh ra, không ai phải dạy họ – vì đó chính là bản năng của họ. Loại động lực thứ hai đến từ việc thưởng/phạt, việc này được nhận thấy nhiều từ bố mẹ (hư thì ăn đòn), thầy cô giáo (không ngoan úp mặt vào tường), cho đến thời gian đi làm (đạt doanh số thì được bonus).v.v. Khoa học đã chứng minh rằng việc sử dụng thưởng phạt mang lại nhiều tác hại. Một trong những tác hại đó là “tiêu diệt” sự sáng tạo. Nếu bạn thưởng dựa trên độ sáng tạo của một ai đó; họ sẽ không sáng tạo nữa trừ khi họ được nhận phần thưởng nhiều hơn hoặc bằng phần thưởng cũ.
Loại động lực thứ 3 mà chúng ta không nhận ra hay nhiều khi bỏ qua đó là động lực đến từ khát vọng con người để trở nên giỏi hơn. Tại sao chúng ta chăm chú học đánh guitar, học vẽ hay giành thời gian nghiên cứu về thần tượng, mà không cần bất cứ phần thưởng gì từ bên ngoài? Vì khi chúng ta làm những công việc đó, phần thưởng lớn nhất đến từ bên trong – khi chúng ta thỏa mãn được sự đam mê, sự sáng tạo cho bản thân. Nhưng phải làm như thế nào để chúng ta có cùng một niềm đam mê khi nhắc đến công việc? Hay dưới góc nhìn của tôi, tôi phải thiết kế hệ thống như thế nào để những người làm dưới mình để sáng tạo và làm việc hiệu quả mà không phải sử dụng tiền làm vũ khí? (Vì như chúng ta đã biết, tiền không phải là phương pháp dài lâu để tạo động lực làm việc).
Để loại động lực thứ 3 này được tỏa sáng, Drive đưa ra 3 ý chính:
- Tự động: người làm việc có thể tự động điều chỉnh thời gian làm việc, đội mà họ làm việc cùng.v.v.
- Làm chủ kiến thức: con người luôn muốn làm chủ một kiến thức gì đó, biến người làm trở thành những người đói kiến thức, họ sẽ muốn học nhiều hơn để thực hiện công việc tốt hơn;
- Mục đích: điều này cần được định nghĩa rõ ràng để vì chỉ khi con người có một mục đích gì đó lớn hơn bản thân họ, họ mới quên mình để theo đuổi mục đích đó.
Việc sử dụng Drive (động lực) này vào tổ chức là nhiệm vụ của tôi, nhưng mục đích của Drive không chỉ gói gọn trong việc thiết kế hệ thống làm việc. Biết cách áp dụng, động lực này sẽ giúp bản thân bạn làm việc tốt hơn, biết cách làm việc với đồng nghiệp hơn, hay áp dụng vào dạy dỗ con cái.v.v. nhưng tôi sẽ dành việc khám phá này cho bạn.
Cách tôi sử dụng những lý thuyết trong Drive vào công việc
- Xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh công ty rõ ràng. Mỗi người đi làm đều muốn góp sức vào một giá trị lớn hơn. Việc hiểu được tầm nhìn và sứ mệnh của sản phẩm họ đang tạo ra giúp họ có động lực lớn lao để làm việc. Không những yêu công việc, họ sẽ còn yêu đồng đội vì đồng đội chính là những người đồng chiến tuyến trên con đường chiến đấu để mang lại những điều đẹp đẽ nhất cho xã hội.
- Lộ trình sự nghiệp đối với nhân viên rõ ràng. Mỗi người có một bản định nghĩa bản thân khác nhau: họ thích những thứ khác nhau, giỏi những thứ khác nhau và có xu hướng phát triển khác nhau. Người lãnh đạo tốt cho biết mỗi người dưới họ định hướng rõ ràng: dù là muốn phát triển sâu về chuyên môn, làm quản lý hay lên làm đối tác. Mỗi lộ trình phát triển đòi hỏi một bộ kỹ năng khác nhau; đây là nền tảng để phát triển cơ chế.
- Cơ chế phục vụ cho việc phát triển của mỗi nhân viên. Đây mới là lúc để thiết kế cơ chế thưởng/phạt cho mỗi vị trí. Khi nhân viên nhìn ra định hướng phát triển và thấy được những kỹ năng họ còn thiếu, họ hiểu việc rèn luyện thông qua cơ chế thưởng/phạt là cần thiết và tự nguyện tham gia. Cuối cùng, thưởng/phạt là cách để giúp mỗi nhân viên thành công hơn trong cuộc sống!
- Thưởng bất ngờ đối với những kết quả công việc tốt. Đối với những nhân viên làm việc xuất sắc ngoài kỳ vọng, đạt được những thành tựu ngoài JD của họ, họ xứng đáng được thưởng (bằng tiền, hoặc bằng việc thăng chức).
Lời cuối
Drive rất đáng đọc cho tất cả mọi người nhưng là cuốn sách phải đọc giành cho những nhà quản lý. Hiểu được động lực của bản thân đến từ đâu là bước đầu tiên để tiến gần hơn tới mục đích lớn hơn của bạn.