Bạn đã từng bao giờ cảm thấy chán nản với bản thân khi đang cố gắng?
Bạn đã bao giờ thấy công việc của mình là một ngõ cụt?
Cuốn sách Infinite game – Trò chơi vô cực của Simon Sinek có thể là thứ bạn cần. Trò chơi vô cực là cuốn sách favorite của tôi trong năm 2020 – khi đại dịch Covid-19 xảy ra và tôi phải đóng công ty khởi nghiệp của bản thân để gia nhập một tập đoàn lớn với vai trò là một nhân viên làm thuê. Khi mà tôi cảm thấy nghi ngờ về bản thân, nghi ngờ về công việc, Simon Sinek đã nhen nhóm trong lòng tôi một niềm hy vọng. Tất cả chúng ta đều có thể chọn con người mà chúng ta muốn trở thành, công việc mà chúng ta muốn làm bằng cách thiết kế trò chơi vô cực. Trò chơi vô cực là trò chơi mà một người có thể định nghĩa chính họ: con người họ muốn trở thành, sản phẩm mà họ muốn làm ra và thông qua những thứ đó, có nguồn năng lượng vô hạn. Oh yes, nếu làm đúng, bạn sẽ có nguồn năng lượng vô hạn để làm việc, phát triển, kiếm tiền và quan trọng nhất, sở hữu sự hạnh phúc khi làm những việc ấy.
Ranking cuốn sách: Must read – bạn đang bỏ lỡ quá nhiều nếu bạn không dành thời gian để đọc Infinite Game
Trò chơi vô cực là gì?
Trong kinh doanh, chúng ta chứng kiến sự sinh ra, thành công rồi tàn lụi của rất nhiều công ty: Kodak, Nokia, Blackberry… Tại sao những công ty đã đạt được doanh thu hàng chục tỷ đô và với nguồn dồi dào tài nguyên lại lụi tài nhanh như vậy?
Theo Simon Sinek, họ đang không chơi trò chơi vô cực. Cách những công ty định nghĩa sản phẩm của họ không tuân theo chiều hướng thiết kế game vô hạn. Sau thành công với sản phẩm đầu tiên, họ quên mất chính lý do mà họ đang làm. Những công ty này chỉ tập trung vào thị trường, thị phần và con số doanh thu & lợi nhuận. Nhưng sự thật là, thế giới đang phát triển và khách hàng cũng vậy. Khi chỉ nhìn vào những con số ngắn hạn, họ quên mất trò chơi vô hạn: giúp đỡ con người thông qua sản phẩm. Một sản phẩm không phát triển mà chỉ tập trung vào phát triển doanh thu, quảng cáo không phải là trò chơi vô cực.
Một công ty chơi trò chơi vô cực không sợ thay đổi, vì họ sẽ phát triển để thích ứng với những sự thay đổi đó. Apple là một ví dụ điển hình cho việc đó. Từ một công ty chỉ sản xuất máy tính, Apple mở rộng hệ sinh thái để phục vụ cho người dùng của họ. Ít người có thể nói được rằng Apple không thực hiện xuất sắc việc tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người dùng: từ iPod, iPhone, Macbook cho đến những sản phẩm nhỏ bé hơn như Air pods, Vision Pro. Họ có thể bị coi là điên rồ, nhưng họ là người dẫn đầu và thay đổi thế giới.
Công ty chơi trò chơi vô cực không sợ thất bại. Họ là những người làm việc vì lý tưởng. Họ lớn hơn tiền bạc. Kể cả khi những công ty này thất bại, những người founders sẽ vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm mới để giúp loài người tiến xa hơn. Thử nhìn Elon Musk của SpaceX/Tesla, Larry Page của Google, Steve Jobs của Apple – họ đều đứng trên vực thẳm của việc thất bại và phá sản nhưng họ đều quay lại mạnh hơn bao giờ hết.
Các yếu tố của một trò chơi vô cực
Phần này tôi sẽ viết vắn tắt, để các bạn còn được đọc và thưởng thức Infininite game bằng thời gian của mình.
Trò chơi vô cực đòi hỏi 5 yếu tố:
- Advance a Just Cause – Có lý tưởng vĩ đại. Người sáng lập công ty phải có một lý tưởng vĩ đại cho con người. Đây mới là kim chỉ nam cho một công ty và là hướng đi để toàn bộ công ty đi theo. Tips: đây cũng là mẹo để bạn chọn một công ty để đầu tư lâu dài. Nếu tầm nhìn của một công ty là tối đa doanh thu, chiếm thị phần… thì cùng lắm là một công ty để đầu tư ngắn hạn vì họ đang chơi trò chơi có hạn.
- Build Trusting Teams – Xây dựng một đội ngũ tin tưởng. Đội ngũ tin tưởng là bước tiếp theo. Bạn cần những người bạn tin, và họ cũng tin bạn. Nếu bạn không tin sếp mình sẽ làm việc đúng hay ngược lại, công ty của bạn sẽ không làm gì ra hồn. Tại một nơi kinh doanh đang chơi trò chơi vô cực, mọi người đặt niềm tin vào nhau và biết rằng tất cả đều đang hướng đến Just Cause.
- Study your Worthy Rivals – Học những đối thủ xứng đáng. Động lực lớn nhất để phát triển – đó chính là đối thủ của bạn. Nếu nhìn trên con số, họ là đối thủ của bạn. Nhưng khi nhìn trên lý tưởng giúp đỡ con người, họ là đồng minh. Hãy chiến đấu với họ và chiến đấu CÙNG họ. Mỗi lần tôi xem lại những trận đấu tennis của big 3 – Nadal, Federer và Djokovic, tôi không ngừng cảm thấy biết ơn họ vì họ liên tục đẩy tennis lên một tàm cao mới.
- Prepare for Existential Flexibility – chuẩn bị cho việc thay đổi sống còn. Vì lý tưởng vĩ đại và vô hạn, một công ty đến một thời điểm sẽ phải đưa ra quyết định với sản phẩm con đẻ của họ – nên thay đổi nó hay là chết. Nhiều công ty chọn là chết: Kodak với máy ảnh chụp phim, Blackberry với điện thoại nút bấm… Ở thái cực khác, Apple đưa ra quyết định khai tử iPod để phát triển iPhone. Nói thì dễ, rời bỏ một cash cow để dám làm việc đúng chưa bao giờ là việc đơn giản.
- Demonstrate the Courage to Lead – Dũng cảm để dẫn đầu. Nỗi đau của việc thay đổi và phát triển là liên tục. Một công ty có dám dẫn đầu, một lãnh đạo có dám thay đổi dù cho mọi người nói không? Đó là câu hỏi mà một người chơi vô cực phải đối diện và giải quyết.
Kết luận
Là một người làm khởi nghiệp và đầu tư vào khởi nghiệp, tôi luôn cố gắng để hiểu game kinh doanh. Trò chơi vô cực đã cho tôi câu trả lời chính đáng về cách để xây dựng tầm nhìn, đội ngũ để có năng lượng phát triển vô hạn. Đây chỉ là một phần của câu trả lời. Với tôi, đây là phần trả lời quan trọng nhất. Vì kinh doanh là phải hạnh phúc, và bạn sẽ tìm thấy sự hạnh phúc khi được chơi một trò chơi vô hạn.