Phật Giáo sử dụng từ niết-bàn (giải thoát) làm mục tiêu lớn nhất với những người theo đạo. Theo lời của Bụt, niết bàn là mục đích cuối cùng, là sự thật tuyệt đối của muôn loài, là sự hạnh phúc vô biên. Vậy sự giải thoát này là gì? Có phải tất cả mọi người muốn trở nên hạnh phúc và nhẹ nhàng thì phải buông bỏ tất cả để tìm đến nơi thanh tịnh, để quỳ xuống chân Bụt xin được tha thứ? Trong Trái tim của Bụt, thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích về những cách suy nghĩ về đạo Phật, về hạnh phúc và những sự thật trong cuộc sống. Phật Giáo hướng đến sự thảnh thơi và bình an, đến sự giải thoát khỏi những khái niệm và sự bất hạnh. Phật giáo là cách suy nghĩ, thiền nghiệm chứ không phải là những giáo lý khô khan.
CHÁNH KIẾN
Khái niệm đầu tiên được giới thiệu trong Trái tim của Bụt là “chánh kiến”. Chánh kiến (hay còn gọi là cái nhìn đúng) là cách nhìn về vạn vật với con mắt yêu thương. Mỗi khi chúng ta nhìn vào một sự vật hay sự việc, chúng ta phải quán chiếu chánh kiến đó lên, để không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ bột phát của bản thân. Chánh kiến là bước đi đầu tiên để con người tìm đến hạnh phúc và thảnh thơi. Nếu chúng ta sống không có chánh kiến, chúng ta sẽ bế tắc trong những suy nghĩ của bản thân, chúng ta sẽ phán xử suy nghĩ của mình lên vạn vật trong khi không biết mỗi cá thể lại có sự khác nhau.
Chánh kiến là khi một người nhìn vào chính bản thân mình mà không cảm thấy hối hận, lo lắng, căm ghét. Anh ta hiểu được bản thân anh ta xứng đáng được yêu thương, đầu tiên bởi chính anh ta. Dù hoàn cảnh bên ngoài có khắc nghiệt thế nào, điều bất di bất dịch là anh luôn yêu bản thân và sẵn sàng với mọi sự khó khăn bên ngoài.
Chánh kiến là hiểu rằng một người luôn có thể yêu và giúp đỡ người khác mà không cần điều kiện gì. Khi không hiểu được việc này, một người phải lao tâm khổ tứ vì tiền bạc danh vọng vì họ nghĩ đó là những thứ quan trọng để mang lại hạnh phúc. Chánh kiến là thấy người cần giúp thì giúp ngay, trong khả năng của bản thân.
Một khi nhận ra chánh kiến, bạn sẽ nhìn thế giới qua một ống kính khác, chủ động hơn và tình thương nhân loại hơn.
TỨ DIỆU ĐẾ
Để tìm thấy chánh kiến thì mọi người phải hiểu Tứ Diệu Đế – bốn sự thật kỳ diệu: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Để giải quyết vấn đề gì thì bạn phải hiểu vấn đề đó, nên 4 bước để tìm ra con đường khai sáng đó là
- Khổ: Nhận diện nỗi khổ đang tồn tại trong bản thân và dám đối diện với nó.
- Tập: Những nỗi khổ này đến từ đâu. Tìm hiểu thực sự gốc rễ và đối mặt với những sự thật có thể gây ra khó chịu. Con người có bản năng chạy trốn khó khăn nên dám đối diện với những thứ gây khổ cho mình đã là bước tiến lớn.
- Diệt: Khi gốc rễ của nỗi khổ được phơi bày thì sự khổ cũng sẽ được tiêu diệt. Diệt ở đây không phải là bỏ qua nó, mà là hiểu được việc cần làm là gì và nỗ lực để giải quyết nỗi khổ.
- Đạo: có một con đường để đối diện và giải quyết nỗi khổ. Sự thật của cuộc sống là nỗi khổ. Hiểu được đó, mỗi người phải học cách đối diện, quán chiếu và loại bỏ nỗi khổ.
CẢM ƠN NỖI KHỔ
Từng là một người không deal với stress tốt, tôi dễ dàng cảm thấy mệt mỏi hay ám ảnh khi bị người khác xúc phạm hay mắng mỏ. Dù có sử dụng logic gì, tôi cũng vẫn cảm thấy bồn chồn và lo lắng. Sự bồn chồn dần trở thành một vòng lặp tiêu cực, dẫn tôi đến sự nghi ngờ bản thân. Nhờ chương “Chuyển hóa tập khí”, tôi hiểu cách để biến chuyển sự bồn chồn sợ hãi đó thành những cảm xúc tích cực và tươi mới hơn.
Năm bài lễ trong chương “Chuyển hóa tập khí” được viết ra cảm tạ vạn vật trong cuộc sống: từ gia đình, tổ tiên đến tổ quốc. Nhưng đặc biệt, bài lễ thứ năm được viết ra để cảm tạ những người gây nên khổ đau với mình. Từ bài kệ này, tôi hiểu được rằng, người làm mình khổ đau cũng đang không hạnh phúc, họ cũng phải chịu nhiều thứ không may mắn và chính vì vậy, mới làm vương vãi khổ đau của họ lên mình. Từ lòng yêu thương đó, chúng ta mới có thể nhìn qua thấu qua được sự tiêu cực của cảm xúc. Thấm thía bài lễ này, tôi luôn nghĩ đến nó mỗi khi gặp mâu thuẫn với con người. Tình yêu chưa chắc đã giải quyết được sự thù hằn, nhưng chắc chắn sự thù hằn sẽ không giải quyết được sự thù hằn.
TRÁI TIM CỦA BỤT NÊN ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU LẦN
Đạo Phật không phải là lời những lời giảng khô khan hay cứng nhắc, mỗi lời phật giảng có thể là có thể hiểu theo nhiều nghĩa, miễn là người lãnh hội phải là người có chánh niệm. Có chánh niệm trong tâm rồi thì nghe mỗi lời Phật giảng sẽ hiểu một cách sâu sắc hơn. Quá trình nghe lời phật giảng là một quá trình Văn, tư, tu: học, suy ngẫm và thực tập. Những người hay đọc sách sẽ thấy cảm nhận của mình với cùng một quyển sách vào mỗi thời điểm trong cuộc đời lại khác nhau. Sự thật là quyển sách vẫn như vậy, chỉ con người là thay đổi. Khi đọc chúng ta luôn luôn đối chiếu bản thân với sách; chính vì vậy, càng phát triển chúng ta đọc sách lại thấy thấm thía hơn. Song, nếu chỉ đối chiếu một cách bị động thôi thì chưa đủ. Mỗi lần đọc sách, mỗi người phải chủ động xem mình đang làm như thế nào với sách, cái gì đúng, cái gì sai; nếu làm sai thì làm thế nào để sửa cho đúng.
KẾT LUẬN
Đây là lần đọc thứ hai của tôi với “Trái Tim của Bụt” sau lượt đọc đầu tiên cách đây hơn một năm rưỡi trước. Tôi cảm thấy mình nhẹ nhõm hơn nhiều sau hai tuần liền đọc và suy ngẫm. Mặc dù vẫn chỉ là những hiểu biết về đạo Phật sơ sài, tôi đã cảm nhận được sự sâu xa và quan trọng của đạo Phật với cuộc sống. Dần dần, những sự ganh ghét đã được thay thế bởi tình thương và sự vị tha. Tôi vẫn còn nhiều lỗi lầm trong cuộc sống nhưng tôi có ý thức hơn để đối mặt và thay đổi chúng. Hơn nữa, tôi có thể sử dụng những kiến thức này để giúp cho những người xung quanh mình. Vì hạnh phúc sẽ đến khi ta chia sẻ và giúp đỡ.