Cụm từ NSDR – Non-Sleep Deep Rest (hay nghỉ sâu mà không cần ngủ) đã được nhà khoa học thần kinh Huberman “tôn thờ” như là cách tốt nhất để giúp một người lấy lại năng lượng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn từ 5-20 phút. Lượng video và từ khóa nhắc đến NSDR tăng đột biến sau khi Huberman nói đến nó trong một tập podcast vào đầu năm 2023. Vậy thực sự, đây chỉ là một phong trào không dựa trên nghiên cứu khoa học nào hay NSDR thực sự giúp được mọi người như Huberman vẫn hứa?
NSDR đơn giản chỉ là thiền?
NSDR là phương pháp để giúp một người rơi vào một trạng thái mơ màng, nghỉ ngơi nhưng không hẳn rơi vào giấc ngủ. Mục tiêu của việc rơi vào trạng thái này trong một khoảng thời gian ngắn để bạn lấy lại được sự tập trung và năng lượng để làm việc hoặc tập luyện. Huberman khẳng định: “NSDR là một công cụ rất mạnh để giúp bạn kiểm soát được trạng thái nghỉ ngơi của não bộ. Nếu làm đúng, phương pháp này sử dụng những phương pháp thở để hệ thần kinh được nghỉ ngơi bằng cách hạ nhịp tim.”
Vậy, NSDR thực ra có phải chỉ là thiền? Trong một phỏng vấn với Tim Ferriss, Huberman cho biết, ông là người đầu tiên dùng cụm từ Non-sleep deep rest với mục tiêu mang thiền để tiếp cận với những đối tượng trẻ hơn.
Theo trải nghiệm cá nhân của tôi với khá nhiều clip hướng dẫn NSDR khác nhau, phương pháp NSDR sử dụng nhiều kỹ thuật thở hơn chỉ đơn giản là thiền. Ví dụ, thường một buổi NSDR sẽ bắt đầu với một lượt thở “cyclical sigh” – thở dài tuần hoàn. Người thực tập hít một hơi thở sâu, nghỉ một vài giây rồi hít một hơi sâu hơn nữa từ mũi; sau đó thở dài qua đường miệng. Phương pháp này giúp não bộ ngay lập tức có cảm giác giảm lo âu. Sau đó, NSDR tiếp tục giống như một buổi thiền nhận biết cơ thể – thở đều chậm và cảm nhận dần dần từng bộ phận trên cơ thể.
NSDR có đem lại hiệu quả không?
Thực tế là, NSDR chỉ là một cách gọi khác của một phương pháp thiền rất phổ biến là Yoga Nidra. Phương pháp thiền này đã được nghiên cứu nhiều trong quá khứ và nó được chứng mình là:
- Luyện tập yoga Nidra trong 6 tháng giúp cơ thể giảm viên nhiều trông thấy.
- Stress và lo âu giảm nhiều sau khoảng thời gian luyện tập yoga Nidra 6 tháng.
- Yoga Nidra làm giảm đau lưng dưới đối với người cao tuổi.
- Yoga Nidra tăng cường khả năng hoạt động và thời gian phản xạ đối với vận động viên chuyên nghiệp.
- Yoga Nidra giúp làm giảm mất ngủ, đều kinh nguyệt và liên quan đến đường máu thấp hơn.
Kết luận
Tuy NSDR là phương pháp mới và chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh trực tiếp, chúng ta có thể thấy rõ được hiệu quả lớn của nó mang lại cho cuộc sống hàng ngày. Cá nhân tôi luôn sử dụng NSDR sau mỗi giấc ngủ trưa ngắn. NSDR đưa tôi từ trạng thái ngái ngủ vào trạng thái tỉnh táo chỉ sau 20 phút. Sử dụng nhẫn sức khỏe Oura, tôi nhận thấy nhịp tim giảm hơn đến 10 nhịp/phút trong khi thiền sử dụng phương pháp NSDR. Các bạn có thể tìm những từ khóa như “NSDR 20 minutes” hoặc “Yoga Nidra” để tìm những bài hướng dẫn thiền trên Youtube. Tôi dùng kênh Youtube RosalieYoga (link: https://www.youtube.com/@RosalieYoga) và thường dùng video NSDR 20 minutes của chị cho những buổi thực tập của tôi.
Nguồn tham khảo:
- https://scopeblog.stanford.edu/2023/02/09/cyclic-sighing-can-help-breathe-away-anxiety/
- http://nopr.niscpr.res.in/bitstream/123456789/13871/1/IJTK%2011%282%29%20358-361.pdf
- http://nopr.niscpr.res.in/handle/123456789/1700
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28546678/
- https://www.kheljournal.com/archives/2016/vol3issue5/PartI/3-5-99-152.pdf
- https://www.fatherly.com/health/the-hype-behind-non-sleep-deep-rest-nsdr-explained